Viết cho những ngày cuối tháng 4…

Posted by LTDA trên Tháng Năm 4, 2013

thumb

 

Tôi là người thuộc thế hệ sinh ra sau năm 1975, gia đình tôi không liên quan gì đến VNCH hay CS, mà chỉ là một gia đình bình thường giống như hàng trăm gia đình khác trên đất nước này. Và đây chỉ là những dòng suy nghĩ của riêng tôi, một người thuộc thế hệ trẻ đang sống trên mảnh đất Việt Nam.

Đã bao nhiêu năm rồi, đã bao nhiêu năm từ ngày đất nước thống nhất nối liền 3 dải. Nhưng sao mà những đau thương, hận thù vẫn cứ mãi gợi lên trước mắt thế hệ trẻ như chúng tôi hàng ngày? Tôi may mắn khi không sinh ra vào thời đất nước chiến tranh, những câu chuyện về chiến tranh tôi chỉ được nghe lại từ ông bà, cha mẹ, chú bác hoặc anh chị, cũng như đọc được từ những tài liệu và hình ảnh trên mạng. Chắc chắn tôi không thể nào cảm nhận được hết nổi đau mà những thế hệ trước đã trải qua. Nhưng những gì mà tôi, một người thuộc thế hệ trẻ thấy cho đến ngày hôm nay thì rất là khó hiểu và kỳ cục.

Ngày còn ngồi ở mái trường trung học, trong đó có môn Lịch Sử, tôi được học nào là những “chiến thắng” oai hùng, vĩ đại chống Mỹ, chống “Ngụy quân”, Ngụy quyền, trong đó là những số liệu đã giết được bao nhiêu Ngụy quân, Ngụy quyền. Lúc đó, tôi không hiểu cụm từ Ngụy nghĩa là gì, nên chỉ học thuộc bài để lên lớp thôi, nhưng khi trưởng thành rồi , sau khi tìm hiểu thì mới biết được, Ngụy ở đây là những người sống trên mảnh đất miền Nam ngày xưa, nói chung một thứ tiếng, chia sẻ chung nhiều văn hóa với những người sống ở miền Bắc. Cái “Chiến thắng” ấy có được bằng cách giết những người nói chung tiếng nói với mình. Thế quả thật nếu có cái gọi là “chiến thắng” ấy, thì chiến bại ở đây sẽ là những ai và là những gì? Có phải chiến bại này là chiến bại của tất cả người dân hay không? Chiến bại ấy phải trả giá bằng những cái chết, nhưng chia lìa, đau thương, thù hận, chia rẽ và hàng vạn những thứ khác. Bản thân tôi thì không thể nào ăn mừng cái “chiến thắng” ấy được,và tôi cũng muốn hỏi bạn một câu, nếu là bạn, bạn có nỡ nào ăn mừng “chiến thắng” ấy hay không?

Thế thì, xin những người ở thế hệ trước đừng tiếp tục gieo vào đầu những thế hệ trẻ như chúng tôi sự thù hận,chia rẽ nữa. Hòa hợp, hòa giải là gì?? Trong khi những hậu quả đó nó ảnh hưởng lên bọn trẻ như chúng tôi, bằng chứng là những câu như “phản động”, “tác chiến” “đánh mạnh”, “tiêu diệt” được phát ra dễ dàng từ những bạn trẻ ở thế hệ tôi, mặc dù tôi biết rất nhiều bạn ấy vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của cuộc chiến đã qua. Có một lần tôi đọc được một bình luận của một bạn trẻ trên Facebook với avatar là lá cờ đỏ,bạn ấy nói rằng “tao mà gặp được mày ở đâu, tao sẽ lấy súng bắn ngay vào đầu mày” tôi không thể tin được khi nghe được câu nói đó, thế hệ trẻ như chúng tôi,không được dạy phải yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, mà được truyền vào đầu những câu nói như “tao sẽ lấy súng bắn ngay vào đầu mày” Có phải bạo lực xã hội ở Việt Nam bắt nguồn từ đây không?

Đất nước Việt Nam đã trải qua bao nhiêu đau thương, tương tàn, cuộc sống người dân càng ngày càng khổ thế mà sự thù hằn, sự chia rẽ vẫn còn tiếp diễn và càng ngày càng kinh khủng hơn.Có nhiều bạn bảo là treo cờ là yêu nước, thế các bạn biết yêu nước thật sự là như thế nào không? Theo tôi, nó đơn giản lắm, yêu nước đó là yêu những con người trong cái đất nước đó, cùng góp sức lực, trí tuệ, khả năng để phát triển cộng đồng người dân trong cái đất nước ấy, chứ không phải chỉ treo cờ là yêu nước, và không treo cờ là không yêu nước. Nếu như thế, tôi có thể chạy ra mua hàng trăm lá cờ để treo khắp nhà và nói với các bạn rằng, tôi là người yêu nước nhất, yêu nhiều hơn các bạn, thì các bạn nghĩ sao?

Đừng nhìn vào những tòa nhà chọc trời mới mọc mà nghĩ rằng đất nước này đang giàu lên, mà hãy chịu khó đọc những báo cáo của các tổ chức Thế Giới khi đánh giá đất nước Việt Nam nằm ở diện nào trên Thế Giới, bao nhiêu tiền và bao nhiều lần ngửa tay ra xin viện trợ từ các nước phát triển, nợ nước ngoài tổng cộng là bao nhiêu, hệ thống giáo dục ở Việt Nam được xếp vào hạng mấy trên Thế Giới, đời sống người dân ra sao, tâm lý, xã hội phát triển theo hướng nào, những phụ nữ bị bán đi làm nô lệ tình dục,những em bé buộc phải nghỉ học mà đi lang thang, buôn bán lề đường, rừng bị chặt phá, biển bị mất, v,v…Đó mới là những hình ảnh THẬT SỰ của nước Việt Nam đấy.

Tôi biết Tháng 4 là tháng nhiều kỷ niệm và hình ảnh đối với nhiều người, nhưng tôi hy vọng là bắt đầu từ tháng 4 này và trở về sau, tháng 4 sẽ chỉ là tháng bình thường trong năm, mà ở đó người dân trong và ngoài nước không còn thù hận, chửi rủa, xát muối vào vết thương lẫn nhau, sẽ là một tháng trong năm như những tháng khác, tháng của những yêu thương, sự giúp đỡ lẫn nhau để phát triển xã hội lành mạnh hơn, nhân văn hơn. Để rồi con cháu và thế hệ sau ta sẽ không phải thốt ra câu nói “tao sẽ lấy súng bắn ngay vào đầu mày” nữa.
Hy vọng!

Sài Gòn 26/04/2013

Nguồn : Facebook Kelly Vo

Posted in Uncategorized | 4 Comments »

NGƯỜI TÙ

Posted by LTDA trên Tháng Năm 1, 2013

Fb Võ Lão Nông

Trao trả tù binh năm 1973

“Dì Sáu tôi có nghề thiến heo,
Thiến chưa rồi đứt chỉ chết queo”
Hồi ấy mấy anh em tôi thường hay núp sau cánh cửa hô lên đồng thanh như vậy khi thấy dì Sáu Bèo xuất hiện ngoài đường với tiếng kèn thiến heo vang lên từ tay dì những tiếng tít te . . . tít te . . . Có lần bà ngoại tôi xách chổi chà rượt chúng tôi: Đồ con nít quỷ, nói hỗn không sợ dì Sáu bây buồn.

Nhưng dì Sáu tôi không buồn, dì gỡ cây chổi trên tay ngoại tôi rồi nhìn chúng tôi cười, nụ cười ngọt ngào và đôn hậu. Dì ngồi xuống bộ ván gõ, nêm cho ngoại tôi mấy miếng trầu, nói vài câu chuyện rồi lại ra đi, tiếng kèn tít te, tít te lại vang lên trong xóm. Dì thường mặc bộ bà ba đen, đội nón lá, tóc bới tròn như trái cam,chân đi dép Nhật, dáng đi nhanh nhẹn, gọn gàng. Tay phải cầm chiếc kèn cứ bóp lia bóp lịa. Tít te, tít te. Trên vai dì quảy cái túi nải nhỏ, trong đó có mấy món đồ nghề gồm dao mổ, thuốc sát trùng, kim, chỉ khâu, tiền bạc và vài món tư trang. Khi có ai gọi thiến heo Sáu ơi thì dì ghé vào, chỉ trong tích tắc, con heo la lên vài tiếng thất thanh là mọi việc đã xong. Dì nhét tiền vào túi nải rồi lại ra đi, những tiếng kèn lại vang lên trong xóm. Hồi ấy dì khoảng bốn mươi tuổi.

Một lần tình cờ nghe những mẩu đối thoại thì thầm giữa dì với mẹ tôi trong nhà bếp, tôi mới biết dì Sáu tôi chính là Việt cộng nằm vùng. Còn dượng Sáu tôi thì đang ở tù ngoài Phú Quốc.Từ đó tôi không còn trêu chọc dì bằng những câu hát đồng dao nữa.

Và khi lớn lên, đi góp nhặt những mẩu chuyện đời qua những tiệc tùng trong họ hàng thân tộc, tôi đã chép lại thành câu chuyện sau đây.

Dì Sáu tôi tên thật là Dương Thị Cư, nhưng không nghe ai gọi dì là Sáu Cư mà chỉ gọi là Sáu Bèo. Cái tên cúng cơm ấy đã gắn cuộc đời dì như bọt bèo sông nước. Dì với mẹ tôi là chị em con cô con cậu, dì vai chị nhưng nhỏ hơn mẹ tôi năm tuổi. Trong thân tộc tôi có ít nhất là ba mươi người đàn bà mang nỗi bất hạnh của chiến tranh, như mẹ tôi chẳng hạn, mẹ tôi bị mất đi người chồng và hai người con trai lớn .Mỗi gia đình có một câu chuyện bi kịch khác nhau, nhưng câu chuyện gia đình dì Sáu Bèo cứ ám ảnh tôi nhiều nhất. Theo mẹ tôi kể, dì lấy chồng hồi năm hai mươi tuổi,không hiểu duyên số nào sắp đặt mà cả hai vợ chồng lại cùng thứ cùng tên – ông Sáu Cư, Tạ Vĩnh Cư. Đám cưới chưa được bao lâu thì dượng Sáu tôi đi tập kết.Trong những thước phim tư liệu quay cái cảnh chia ly đầy nước mắt ở bến sông Ông Đốc có hình ảnh dì Sáu tôi úp mặt rung rung trên chiếc khăn rằn.

Trong thời kỳ hoạt động bí mật, dì làm cán bộ giao liên văn phòng liên tỉnh ủy miền Tây. Nhiệm vụ chính của dì lúc bấy giờ là chèo ghe đưa ông Tư Bình – tức ông Vũ Đình Liệu, bí thư liên tỉnh – đi hoạt động công khai trong vùng kềm của đối phương từ sông Hậu,Ngã Bảy đến Cà Mau, Rạch Gốc, Ông Trang . . . Ông Tư Bình đóng vai ông thầy thuốc Bắc, trong ghe có đủ các loại thuốc thang và cao-đơn-hoàn-tán. Dì Sáu tôi nhỏ hơn ông gần hai mươi tuổi nên không biết đóng vai gì cho phù hợp, vai vợ thì quá nhỏ, vai con thì quá lớn. Cuối cùng hai người nghĩ ra cách, hễ gặp giặc thì dì nói dì là em vợ đi rước anh rể về trị bệnh cho bà nội. Nhiều lần đi qua đồn giặc, lính đồn gọi ông Tư Bình lại nhờ khám bệnh, ông giả vờ khám rồi đoán mò và hốt cho họ vài thang thuốc, căn dặn đôi điều như một ông thầy chuyên nghiệp rồi lại ra đi, những người  lính rối rít cảm ơn.

Khi Đường lối Cách mạng miền Nam ra đời, dì Sáu Bèo được giao nhiệm vụ vận chuyển tài liệu cho các cơ sở Đảng trong vùng tạm chiếm. Dì nghĩ ra cách giấu tài liệu trong những đòn bánh tét giả rồi để chung với các loại bánh thật cùng với trái cây, nhang đèn như một người đi đám cúng cơm. Cứ thế, Đường lối Cách mạng miền Nam được dì chở đi khắp các cơ sở Đảng trong vùng để góp phần làm nên ngày Đồng khởi. Có lần đi qua Khâu Bè – Giáp Nước, gặp lính sư đoàn 21, họ cặp xuồng lại chọc ghẹo và lấy bánh ăn, dì với cô Ba Lộc và cô Năm Nga đã lanh trí ứng xử bằng cách ném các loại bánh khác cho họ và giựt những đòn bánh tét trở lại, dì nói với họ: Con rễ gì mà hỗn quá, bánh nầy chưa cúng ông bà, không có được ăn, rồi dì xô xuồng ra,rủ họ chèo đua với điều kiện là các anh chèo kịp em thì tụi em sẵn sàng làm vợ.Nhờ mưu kế ấy mà những đòn bánh tét không lọt vào tay giặc. Ba người lách sang một cua quẹo rồi nhảy lên bờ, ôm tài liệu chạy vô rừng. Bọn lính nghi ngờ bắn theo mấy phát súng rồi thôi.

Năm 1962, dì Sáu tôi chuyển sang làm công tác kinh tài của tỉnh Cà Mau cũng là lúc vợ chồng dì sum họp. Ông Sáu Cư vượt Trường Sơn về Nam với cấp hàm thượng úy, ông được bổ nhiệm làm tiểu đoàn phó Tiểu đoàn U Minh II. Ông Sáu Cư là một sĩ quan phong độ, lại có tài đánh trận, ông chỉ huy trận nào là thắng gọn trận đó, quân lực lại ít hy sinh, vì vậy mà ông sớm nổi tiếng và được nhiều người ngưỡng mộ. Chẳng bao lâu,ông được thăng chức lên phó ban, rồi trưởng ban tác chiến của Tỉnh đội Cà Mau.Tuy nhiên, bên cạnh cái tài đánh trận, ông Sáu Cư lại là con người độc đoán và cao ngạo, dường như ông chẳng biết nể nang ai dù là những người đang ở những cương vị bắt buộc ông phải tuân thủ phục tùng.

Cuối năm 1967, tại căn cứ Xẻo Lá, ông TH – một trong những người lãnh đạo của tỉnh mà tác giả xin miễn nêu tên – đang triển khai kế hoạch tổng tấn công thị xã Cà Mau vào dịp Tết Mậu Thân, cả hội trường đang im lặng lắng nghe thì bất thần Sáu Cư đứng lên hỏi:Xin đồng chí cho biết mục tiêu của trận đánh nầy là gì để tôi lập phương án tác chiến cho phù hợp. Nếu đánh để chiếm Cà Mau thì phương án khác, còn đánh để làm suy yếu kẻ thù rồi rút lui thì sẽ có phương án khác chớ không thể nói chung chung mà không có mục tiêu được. Bị hỏi bất ngờ, ông TH chỉ tay vào mặt Sáu Cư nói: Tôi bảo đánh là đánh chớ không được hỏi lại. Sáu Cư nói: Con c… , vậy thì anh chỉ huy đánh đi! Nói xong, Sáu Cư bỏ ra ngoài, cả hội trường ngơ ngác.

Sau cuộc họp ấy, ông bị đưa vào trại kỷ luật của tỉnh đội.

Ở đây tôi không bàn về chuyện Mậu Thân, vì đó là công việc của các nhà làm sử. Tuy nhiên, thắng hay bại của từng trận đánh là điều bình thường của chiến tranh. Nhưng điều phiền hà cho Sáu Cư là sau Tết Mậu Thân, người ta trút cơn giận lên đầu ông, người ta cho rằng ông là CIA nên mới để cho kẻ thù phá vỡ kế hoạch của từng cánh quân giải phóng. Thế là Sáu Cư bị giải từ trại kỷ luật sang trại tù binh ngụy ở Kiến Vàng.

Dù là vô tình hay cố ý,cái tin ông Sáu Cư làm tình báo CIA bị bắt giam cứ ngày một rộng ra làm cho chính quyền Sài Gòn và quân đội Mỹ hiểu rằng có một nhân viên CIA bị Việt cộng bắt giam cần phải ra tay giải thoát.

Tháng 3 năm 1969, một tiểu đoàn biệt kích Mỹ được trang bị trực thăng và tàu chiến, nửa đêm đột nhập vào trại tù binh Kiến Vàng để giải tỏa cho Sáu Cư. Viên chỉ huy bước vào trại giam lễ phép hỏi: Xin lỗi các chiến hữu, ở đây ai tên là Tạ Vĩnh Cư ? Sau khi Sáu Cư lên tiếng, hắn nói: Xin chào ông, chúng tôi đến đây để giải thoát cho ông, bắt đầu từ bây giờ, ông sẽ được đối xử theo luật quốc tế, xin mời ông xuống tàu cùng đi với chúng tôi. Còn tất cả các chiến hữu hãy lên trực thăng để về vùng tự do.

Sáu Cư ngơ ngác theo họ  xuống tàu, chiếc tàu chiến được trực thăng bảo vệ bằng róc-két phóng rạp hai bên bờ sông cho đến khi về tới chi khu Hải Yến.Sáu Cư được họ đưa lên đó tắm rửa, thay quần áo, nghỉ ngơi, ăn uống hai ngày như thượng khách. Sáng ngày thứ ba, họ đưa ông xuống tàu ra Cà Mau, đến ở trong một căn phòng sang trọng tại trung tâm quân sự Cao Thắng. Suốt cả tuần lễ ở đây,những sĩ quan VNCH cứ dạ dạ vâng vâng tận tình phục vụ ông như một người khách quý mà chẳng hề hỏi ông một câu nào gọi là có ý khai thác. Một hôm, có một viên sĩ quan cấp tá đến báo tin cho ông biết rằng ông sắp được chuyển về Sài Gòn và hỏi ông có cần gặp vợ con không, ông nói rằng ông rất muốn gặp, y  hứa rằng y sẽ cố gắng giúp ông.

Về phần dì Sáu tôi, sau khi chồng bị giam vào trại tù binh Kiến Vàng, dì được tổ chức phân công ra hoạt động hợp pháp ở Cà Mau. Nhưng thật ra đó là một giải pháp để người ta đưa dì ra khỏi vùng căn cứ bởi vì hoạt động nội thành mà không có liên lạc được với ai.Buồn chán, dì ẳm đứa con trai đầu lòng mới lên hai tuổi về quê cất nhà ở vùng ven thị xã. Khi nghe tin trại giam Kiến Vàng bị giải tỏa, dượng Sáu tôi được đưa về trung tâm Cao Thắng, dù không biết thực hư như thế nào, dì cũng cố dò la tin tức và tìm mọi cách đến thăm. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là lúc dì tìm đến thăm cũng là lúc những sĩ quan ở đây cũng đang tìm mọi cách để giúp ngài Sáu Cư gặp vợ con. Thế là, để chúc mừng cho cuộc hội ngộ nầy, một viên sĩ quan đã chụp tặng vợ chồng ông một bức ảnh.

Cuộc gặp gỡ cũng chẳng lý giải được điều gì, cả hai người cũng nhận định rằng đây là một sự hiểu lầm nào đó của cả bên địch lẫn bên ta.

Mấy ngày sau, ông được đưa lên máy bay về Sài Gòn, lại được đối xử đàng hoàng như thượng khách. Ông cũng chẳng biết nơi ấy là đâu. Một hôm, có một viên đại tá đến chào ông,anh ta tự xưng là Tổng cục phó tình báo Việt Nam Cộng hoà. Cuộc thẩm vấn bắt đầu, ông không thể nào hiểu nổi những điều mà họ đặt ra. Ví dụ như họ hỏi ông cộng tác với CIA từ lúc nào? Người ông trực tiếp quan hệ là ai? Đến lúc nầy cả hai mới ngớ ra. Ông thì ngớ ra rằng họ đã lầm ông với một người cùng tên nào đó. Còn họ thì ngớ ra rằng họ đã uổng công với một tên Việt cộng nòi khi ông đãnói rõ về thân thế của ông. Song, sau vài phút ngớ người, anh ta thấy rằng đây là một miếng mồi ngon nên chuyển ông sang Trung tâm chiêu hồi để dụ dỗ. Ngày sau ông được tiếp xúc với một viên sĩ quan tâm lý chiến thuộc loại cáo già. Gã nói rằng Cộng sản đã đối xử với ông như thế thì không có lý do gì ông không quay lại trả thù, rằng nếu ông chịu hợp tác thì gã sẽ thăng cho ông vượt lên hai cấp, nghĩa là từ thượng úy lên hàm thiếu tá, chức vụ tiểu đoàn trưởng. Gã sẽ cấp cho ông một tiểu đoàn tinh nhuệ nhất với đầy đủ phương tiện khí giới để ông kéo quân về dưới mà tha hồ trả thù những kẻ đã ám hại ông . . .

Sáu Cư hẹn trả lời gã trong ba ngày.

Suốt ba ngày ấy ông có đủ thời gian suy nghĩ. Ông căm giận những người đã hại ông lắm chớ! Nhưng vì họ mà đứng về phía giặc để trả thù thì mình trả thù ai đây? Đảng của mình, đồng bào mình, bà con làng xóm mình, vợ mình, con mình. . . tất cả là của mình.Không thể vì sự căm giận nhỏ nhen mà quay lưng với tất cả.

 Ba ngày sau, ông trả lời với gã rằng ông chán cảnh đánh nhau, ông muốn trở về làm một người nông dân để được sống an nhàn với vợ con. Gã gia hạn cho ông suy nghĩ thêm một tuần. Và một tuần sau ông cũng trả lời như thế. Gã doạ  nhốt ông, ông cũng trả lời như thế.Ngày sau, họ đưa ông lên chiếc xe tù và giải ông xuống Cần Thơ. Ở trại giam Cần Thơ sáu tháng, họ đày ông ra Phú Quốc.

Năm 1973, ông được trao trả tù binh theo Hiệp định Paris.Nhưng khổ thay, những người bạn tù của ông thì còn đường tìm về đồng đội cũ,còn ông thì biết tìm ai?

 Ông tìm về với vợ con.Dì Sáu tôi ngày ngày với chiếc kèn tít te tít te đi thiến heo khắp đầu làng cuối xóm. Ông lặng lẽ ở nhà với tâm trạng ngổn ngang. Ông giữ cái THẺ CĂN CƯỚC TÙ BINH CỘNG SẢN  của Bộ Quốc phòng VNCHvới hy vọng một ngày nào đó gặp lại những đồng đội cũ, may ra nó chứng minh được thân phận của mình để cùng nhau xếp lại quá khứ mà vươn đến tương lai.Nhưng rồi hai năm sau, ngày chiến tranh kết thúc thì cũng là ngày ông bị đưa đi cải tạo cùng với những sĩ quan quân đội Sài Gòn! Dì Sáu tôi chạy đi khóc lóc kêu oan khắp nơi, kể cả những người lãnh đạo cũ, người ta nói rằng đây là chuyện bí mật của ngành an ninh, cần phải có thời gian điều tra làm rõ. Mấy năm đầu ông bị giam trong khu chấp pháp, một nhà tù của chế độ cũ ở gần trường học phường Năm, lúc ấy thằng Dũng con trai ông đã học lớp bốn, lớp năm tại trường nầy. Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy nó vào những buổi chiều tan học, nó đứng miết ngoài hàng rào kẽm gai nhìn vô nhà giam mà nước mắt nó rưng rưng. Chị Huỳnh Thanh Hương – một người bà con xa với tôi – là giáo viên dạy lớp Năm của Dũng nhiều lần nhìn thấy Dũng đứng lặng như thế khi chị đạp xe về muộn, con đường đã vắng bóng học trò, chị dừng lại hỏi thì Dũng chỉ khóc. Hôm sau chị đến trường mở lý lịch Dũng ra xem thì chỉ thấy một dòng ngắn gọn: Cha Tạ Vĩnh Cư,đang học tập cải tạo không rõ lý do. Chị đem chuyện ấy hỏi tôi, tôi kể cho chị nghe, chị đã khóc. Từ đó, chị dành hết tình cảm cho Dũng, những buổi chiều về thấy Dũng đứng ngoài hàng rào trại giam như thế thì chị dừng xe lại dỗ dành và đưa Dũng về nhà. Sau khi trại giam Cây Gừa ở Bạc Liêu được xây dựng, ông Sáu Cư được chuyển về đó mấy năm. Đến năm 1982, ông được thả về với cái giấy tạm tha.Tạm tha cũng có nghĩa là sẽ bị bắt lại, người cai tù nói với ông như thế để ông đừng hòng kiện cáo. Mà ông nào có kiện cáo với ai, gần mười lăm năm ông như quả bóng chuyền của hai đối phương cứ ném qua ném lại hai bên giềng lưới, cuối cùng ông bị giăng ra lề sân cỏ khi thân phận đã nhão nhừ. Ông bị bệnh tê thấp, bị phù thủng khắp người, tinh thần cũng không còn để đi tìm chân lý. Một lần ông tìm ra Tỉnh đội để hỏi Bộ chỉ huy về tình cảnh của mình. Người ta hứa với ông rằng chuyện của ông rồi sẽ được minh oan, mọi quyền lợi rồi sẽ được phục hồi trở lại, tạm thời ông hãy yên tâm về nhà dưỡng bệnh. Sau đó người ta viết cho ông cái giấy giới thiệu về địa phương nói rằng ông là bộ đội phục viên, trong thời gian chờ đợi giải quyết chính sách, yêu cầu chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho ông sinh sống.

 Cái nghề thiến heo không còn nuôi sống được gia đình, dì Sáu tôi chuyển sang làm vườn, trồng chuối,xê-ri và các loại rau cải hàng ngày mang ra chợ bán. Ông Sáu Cư vừa hết chứng phù thủng thì chuyển sang tai biến mạch máu não, nằm liệt mấy năm trời. Dì Sáu tôi phải vừa nuôi bệnh, nuôi thằng Dũng học hành, cuộc mưu sinh gói tròn trong những thúng rau. Quỷ thời gian không đủ để lo cho hiện tại thì lấy gì để lo cho những chuyện đã qua, mà lại là những chuyện ngoài sức vóc của một người đàn bàthiếu chữ nghĩa, sức yếu thế cô. Cuộc sống cứ thế xoay vần, vật đổi sao dời, kẻ trở về với đất, người trở lại đời thường, người khác lo con đường thăng quan tiến chức . . . ai để tâm nhớ đến những lời hứa suông cho qua chuyện – lại là chuyện phiền hà cần phải cố quên. Ngay cả trong họ hàng thân tộc, chuyện của ông Sáu Cư từng là chuyện thời sự trong tiệc rượu, tiệc trà, đám cưới, đám giỗ,đám tang. Nhưng từ khi ông ngã bệnh, không còn lui tới họ hàng, những người giàl ần lượt qua đời hoặc không còn khả năng tụ họp trong những lúc có tiệc tùng thì với đám trẻ chuyện của Sáu Cư đã trở thành chuyện cũ, người ta thích nghe những chuyện mới hơn. Vì thế mà chuyện của ông cũng đi vào quên lãng.

Đầu tháng bảy năm nay,bất chợt tôi vác máy ảnh tìm đến ông sau nhiều năm không gặp. Một căn nhà khiêm tốn nằm trong một khu vườn khiêm tốn ven quốc lộ 1A đoạn nối dài xuống Năm Căn,cách thành phố Cà Mau chừng năm cây số. Ông năm nay đã bảy mươi hai tuổi rồi,già cộng với tai biến cuộc đời, tai biến mạch máu não đã làm cho ông trở thành một con người lụm khụm, không còn nghe thấy gì nữa. Dì Sáu tôi phải dìu ông từ trong buồng ra ngoài với từng bước đi loạng choạng. Thằng Dũng bây giờ đã có vợ hai con, cất nhà ra riêng cặp lộ xe làm nghề sữa đồ điện tử. Tôi hỏi thăm đời sống, dì Sáu tôi nói nhờ nối dài quốc lộ, đất lên giá, dì cắt nền ra bán được vài chục cây vàng, xây lại căn nhà và chừa chút đỉnh dưỡng già, cũng đỡ. Tôi nhìn lên vách thấy có tấm Huân chương kháng chiến hạng Nhì của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng cho bà Dương Thị Cư vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dì lấy cho tôi xem quyển sách truyền thống lịch sử của ngành Giao – Bưu – Vận tỉnh Cà Mau, trong đó có mấy trang kể lại chuyện ngày xưa dìchở ông Vũ Đình Liệu đi hoạt động công khai, chuyện dì vận chuyển Đường lối Cách mạng Miền nam trong đòn bánh tét. Thấy dì đang vui nên tôi không dám hỏi thăm về chuyện cũ, khi mời hai ông bà ra chụp ảnh, tôi chỉ nói dối rằng để dành khi hữu sự.

 Ngay cả khi ngồi viết lại câu chuyện nầy, tôi cũng không có ý đấu tranh để đem lại cho gia đình dì Sáu tôi một sự công bằng, bởi vì điều ấy nếu có thì nó đã có từ lâu. Mười tám năm trước, khi dượng Sáu tôi mới ra tù, tôi còn nghĩ tới điều ấy. Nhưng sau mười tám năm lăn trải với những va chạm trong đời, tôi đã hiểu rằng, cuộc đời có những sai lầm vô phương chữa.

 

Cần Thơ, tháng 7 năm2001

V.Đ.D

 Nguồn : Facebook Võ Đắc Danh

Posted in Uncategorized | 5 Comments »

SINH NGHI HÀNH

Posted by LTDA trên Tháng Tư 29, 2013

Bùi Chí Vinh

Sinh nghi ta viết một bài hành
Vợ nghi chồng, em út nghi anh
Cha nghi con cái, bè nghi bạn
Thủ trưởng thì nghi hết ban ngành
Láng giềng dòm ngó nghi hàng xóm
Ngoài đường nghi phố chứa lưu manh
Ngay ta khi viết bài in báo
Cũng nghi mình kiếm chác công danh
Trời ơi, mọi chuyện sinh nghi thiệt
Chén kiểu thường nghi kị chén sành

Thời buổi công hầu như chén cứt
Thiếu chó, mèo ăn cũng rất nhanh
Mèo ăn cho chó leo bàn độc
Vừa sủa vừa nhai riết cũng rành
Trẻ con khát sữa ai cho bú
Vú mẹ gầy, sâu rúc nồi canh
Quang Trung bỏ núi Tây Sơn xuống
Hoảng hốt vì gương vỡ chẳng lành
Nguyễn Du chỉ một đêm dạo phố
Đoạn Trường ngồi viết lại Tân Thanh
Thúy Kiều phát triển nhiều như thế
Thảo nào đất nước hóa lầu xanh
Nhà tù phát triển nhiều như thế
Sĩ tử làm sao dám học hành

Ta làm thơ mà lòng đứt ruột
Suốt đời bao tử chạy loanh quanh
Lãnh tụ nói: đói quên nghi kị
Ơn ấy ngàn năm sáng sử xanh!

29/04/2013

Nguồn: Facebook Bùi Chí Vinh

Posted in Uncategorized | 6 Comments »

Cảm tưởng khi xem “bước nhảy hoàn vũ”

Posted by LTDA trên Tháng Tư 28, 2013

Ảnh mang tính minh hoạ - Bestcartoon.com

Ảnh mang tính minh hoạ – Bestcartoon.com

 

 

Đất nước thế này mà họ hát với hò

Họ đắp phấn son quắp nhau trên sân khấu

Thứ Heroin này ngấm sâu vào máu

Ru lớp choai quên đau khổ quanh mình.

 

Tội ác đó hiện hình không dễ thấy

Có người chê sao bác lại hẹp hòi

Nhảy múa ăn chơi họ đâu có tội

Chỉ là đem cái đẹp hiến cho đời!

 

Tôi nghĩ chỉ những người máu lạnh

Mới không thôi bức xúc trước cảnh này

Đất nước trong những ngày khốn khó

Chỉ ma trơi mới nhảy nhót chín tầng mây

 

Thật khốn nạn thứ “hòa bình dân chủ”

Chỉ tự do cho lũ ăn chơi

Tự do thật được nhốt yên trong rọ

Lũ cô hồn thì vênh mặt khơi khơi!

 

Tôi không phải không biết yêu cái đẹp

Không phải mình không thích vui chơi

Nhưng thuốc nghiện  này thì cần phải dẹp

Vì đó là  Heroin của đám cô hồn!

 

27/4/2012

Nguồn: Facebook Đông Ngàn Đỗ Đức

Posted in Uncategorized | 7 Comments »

Ở Cuối Hai Con Đường

Posted by LTDA trên Tháng Tư 28, 2013

935204_506190276108695_336416775_n

(Một câu chuyện hoàn toàn có thật. Tác giả xin được kể lại nhân dịp 30 năm từ ngày 30/4/1975)

Những năm “cải tạo” ở miền Bắc, tôi được chuyển đi khá nhiều trại. Từ Lào Cai, xuống Hoàng Liên Sơn, rồi Nghệ Tĩnh. Khi mới đến Hoàng Liên Sơn, tôi được đưa đến trại Hang Dơi, nằm sâu trong núi. Đây là một vùng sơn lâm chướng khí, nên chỉ mới gần hai năm mà tôi đã có hơn 20 người bạn tù nằm lại vĩnh viễn ở dưới sườn đồi.

Sau đó, tôi được chuyển  về trại Nghĩa Lộ. Trại này nằm gần Ban chỉ huy Tổng Trại, và cách trại 5, nơi giam giữ gần 30 tướng lãnh miền Nam, chỉ một hàng rào và mấy cái ao nuôi cá trám cỏ. Ban ngày ra ngoài lao động, tôi vẫn gặp một vài ông thầy cũ, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện vui buồn.

Ngày nhập trại, sau khi “biên chế” xong, cán bộ giáo dục trại đưa 50 thằng chúng tôi vào một cái láng lợp bằng nứa, nền đất, ngồi chờ “đồng chí cán bộ quản giáo” đến tiếp nhận.

Vài phút sau, một sĩ quan mang quân hàm thượng úy đi vào láng. Điều trước tiên chúng tôi nhìn thấy là anh ta chỉ còn một cánh tay. Môt nửa cánh tay kia chỉ là tay áo bằng kaki Nam Định, buông thỏng xuống và phất phơ qua lại theo nhịp đi của anh. Không khí trở nên ngột ngạt. Không nói ra, nhưng có lẽ trong đám tù chúng tôi ai cũng có cùng một suy nghĩ : – Đây mới đích thực là nợ máu đây, biết trả như thế nào cho đủ?.

Nhưng bất ngờ, người cán bộ quản giáo đến trước chúng tôi , miệng nở nụ cười. Nhìn khuôn mặt hiền lành, và ánh mắt thật thà, chúng tôi cũng bớt lo âu.

Bằng một giọng đặt sệt Nghệ Tỉnh, anh quản giáo giới thiệu tên mình: Nguyễn văn Thà, rồi “báo cáo” môt số nội quy, yêu cầu của Trại. Anh đưa cho anh đội trưởng một tập vở học trò, phát cho anh em mỗi người một tờ giấy để làm bản “lý lịch trích ngang”.

Tôi đang ngồi hý hoáy viết cái bản kê khai lý lịch ba đời với bao nhiêu thứ “tội” dưới biển trên trời mà tôi đã thuộc lòng từ lâu lắm – bởi đã phải viết đến cả trăm lần, ngay cả những lần bị đánh thức lúc nửa đêm – bỗng nghe tiếng anh quản giáo hỏi:

– Trong này có anh nào thuộc Sư 23 ?

Tôi im lặng giây lát rồi lên tiếng :

– Thưa cán bộ, có tôi ạ,.

– Anh ở trung đoàn mấy?

– Trung Đoàn 44

– Vậy anh có tham dự trận đánh Trung Nghĩa ở KonTum đầu mùa hè 1972?

– Vâng, có ạ.

Anh quản giáo đưa cánh tay bị mất một nửa, chỉ còn cái tay áo đong đưa, lên ;

– Tôi bị mất cánh tay nàytrong trận đó.

Nhìn qua anh em, thấy tất cả mọi con mắt đều dồn về phía tôi. Để lấy lại bình tĩnh, tôi làm ra vẻ chủ động:

– Lúc ấy cán bộ ở đơn vị nào?

– Tôi ở trung đoàn xe tăng thuộc Sư 320.

Anh quản giáo rảo mắt nhìn quanh, rồi hạ giọng tiếp tục:

– Trận ấy đơn vị tôi thua nặng. Cả một tiểu đoàn tăng của tôi còn có 2 chiếc. Chiếc T54 của tôi bị bắn cháy. Tôi thoát được ra ngoài, nhưng bị các anh bắt làm tù binh.

– Sau đó cán bộ được trao trả? tôi hỏi .

– Tôi bị thương nặng lắm, do chính đạn trong xe tôi phát nổ. Tôi được các anh đưa về quân y viện Pleiku chữa trị .Nhờ vậy mà tôi còn sống và được trao trả tù binh đợt cuối cùng năm 1973, sau khi có hiệp định Ba Lê.

Dạo đó, miền Bắc, đặc biệt trên vùng Hoàng Liên Sơn, trời lạnh lắm. Mỗi láng được đào một cái hầm giữa nhà, đốt những gốc cây được anh em nhặt ngoài rừng, sau giờ lao động, mang về sưởi ấm. Tối nào, anh quản giáo cũng xuống sinh hoạt với anh em. Gọi là sinh hoạt, nhưng thực ra anh chỉ tâm tình những chuyện vui buồn đời lính, thăm hỏi hoàn cảnh của anh em tù, và khuyên anh em nên cố gắng giữ gìn sức khỏe, đừng làm điều gì sai phạm để không phải nghe mấy ông cán bộ nặng lời. Anh thường nói:

– Tôi rất đau lòng, khi thấy các anh phải nghe những lời thô lỗ. Tôi biết các anh đều là những người có trình độ văn hóa và ai cũng đã từng chỉ huy.

Mùa đông, không trồng trọt được, nên khẩu phần ăn của một nguòi tù chỉ có một miếng bánh mì đen bằng hai ngón tay, hoặc lưng một bát bắp hạt. Phần thiếu ăn, một phần ẩm ướt thiếu vệ sinh, nên nhiều anh em tù bị bệnh kiết lỵ. Thuốc men hoàn toàn không có, nên bệnh kéo dài lâu ngày. Nhiều người đứng không vững.

Một buổi chiều cuối đông, mưa phùn rả rích, sương mù giăng kín cả thung lũng trại tù, cả đám tù chúng tôi ngồi co ro trong láng, cố nhai từng hạt bắp cứng như viên sỏi, nhìn ra cánh đồng phía trước, thấp thoáng một người mang áo tơi (loại áo mưa kết bắng lá cây) chạy lúp xúp từ chỗ này đến chỗ khác, cho đến khi trời tối.

Đêm đó, như thường lệ, anh Thà xuống sinh hoạt với anh em bên bếp lửa. Anh bảo nhỏ anh đội trưởng :

– Tôi để một giỏ cá đàng sau láng. Trước giờ ngủ, anh ra mang vào, chia cho mấy anh bị bệnh kiết lỵ đang mất sức để các anh bồi dưỡng. Nhớ giữ kín, đừng để trên biết.

Bây giờ anh em mới hiểu,người mà chiều nay, đặt lờ bắt cá ngoài đồng ruộng chính là quản giáo Thà. Ai cũng cảm động.

Biết là anh em tù bị đói triền miên, nhất là sau mùa đông dài, một buổi sáng đầu mùa xuân , quản giáo Thà đưa cả đội 50 người tù lên một đồi trồng toàn sắn của một hợp tác xã nào đó. Sắn đầu mùa, củ còn nhỏ. Anh chỉ cho anh em cách đào lấy củ mà thân sắn vẫn còn nguyên; đào mấy cái bếp “Hoàng Cầm” để luột sắn mà không ai phát hiện có khói. Anh dắt hai anh tù xuống đồi xách hai thùng nước mang lên, căn dặn anh em thay phiên nhau luột sắn ăn cho no. Anh đích thân ở lại đứng gác, nếu có ai vào, anh vờ ra lệnh “chuẩn bị đi về”, anh em tức khắc dấu hết “tang vật” xuống một cái hố đã đào sẵn.

Dường như đó là cái ngày duy nhất mà 50 người tù chúng tôi được no -dù chỉ là no sắn-

Không biết tối hôm ấy, trong giờ “giao ban” , quản giáo Thà đã báo cáo với ban chỉ huy trại là đội tù của chúng tôi đã phát được bao nhiêu hecta rừng ?

Mỗi lần ra bãi thấy anh em lao động nặng nhọc, anh Thà bảo nhỏ :

– Anh em làm việc vừa phải, khi nào mệt thì ta nghỉ. Nhớ giữ gìn sức khỏe, vì thời gian cải tạo còn dài lắm.

Vào một dịp Tết, cầm giấy nghỉ phép trong tay, nhưng anh không về nhà, mà ở lại với anh em. Số tiền lương vừa lãnh được, anh mua mấy bánh thuốc lào, vài ký kẹo lạc, biếu anh em ăn tết.Lần ấy, anh tâm sự thật nhiều với anh em :

– Lần bị thương năm 1972 ở Kontum, tôi nghĩ là tôi đã chết. Vết thương quá nặng, lại phải nằm trong rừng rậm một mình, không có thức ăn, nước uống. Trong lúc tuyệt vọng nhất, tôi bất ngờ được một đơn vị của Sư 23 các anh phát giác. Các anh băng bó vết thương,cho tôi ăn uống, tận tình săn sóc tôi như một người đồng ngũ. Các anh luân phiên khiêng tôi ra khỏi khu rừng rậm, gọi máy bay tản thương đến đưa tôi về bệnh viện. Trời tối, máy bay chưa xuống được, đảo mấy vòng, thì vị trí bị lộ.Các anh bị pháo kích, may mà không có ai bị thương. Các anh lại phải vội vàng di chuyển đi nơi khác. Cả khu rừng chỉ có một khe đá là nơi trú ẩn an toàn, các anh lại dành cho tôi, rồi phân tán mỏng. Tôi được hai anh y tá săn sóc suốt cả đêm . Người chỉ huy hôm ấy là một anh rất trẻ, mang quân hàm trung úy, mấy lần ôn tồn hỏi thăm tôi và khuyên tôi cố gắng để được đưa về quân y viện chữa trị.Anh còn cho tôi nửa bao thuốc lá còn lại của anh, bảo tôi hút thuốc để quên bớt cơn đau của vết thương. Sáng sớm hôm sau, tôi được máy bay tản thương đưa tôi về quân y viện Pleiku. Ở đây, mặc dù tôi phải nằm riêng, nhưng được bác sĩ các anh chăm sóc tận tình. Tất cả đã đối xử với tôi như người đồng đội. Có lần, một phái đoàn đến ủy lạo thương binh các anh, họ cũng đến thăm, cho tôi quà, và an ủi tôi thật chân tình. Vết thương vừa lành, thì tôi được lệnh trao trả tù binh.Khi chia tay, bệnh viện còn cho tôi nhiều thuốc men và một số đồ dùng. Lòng tôi tràn ngập cảm xúc. Tôi nghẹn ngào trước tình con người, tình dân tộc mà các anh đã dành cho tôi. Tình cảm ấy tôi chôn chặt tận đáy lòng, không dám tâm sự cùng ai, vì lòng tôi lúc nào cũng nghĩ đến vợ con tôi, và nhất là người mẹ già gần tuổi 80 đang ngày đêm mong chờ tôi trở về.

Anh cố gắng giữ bình tĩnh,nhưng rõ ràng là giọng nói của anh sắp nghẹn ngào.

– Khi về lại ngoài Bắc, người ta có còn tin cậy anh không? – một anh tù hỏi.

– Ngay sau khi được trao trả,tôi phải vất hết thuốc men và những thứ các anh cho. Tôi cố dấu mấy viên thuốc trụ sinh phòng nhiễm trùng, nhưng họ khám xét kỹ quá, tôi phải tìm cách vất đi.Trước khi đưa về Bắc, chúng tôi được học tập hơn một tháng, làm kiểm điểm và lên án sự đối xử tàn ác của các anh. Tôi thấy xấu hổ lắm khi nói điều ngược lại, nhưng rồi ai cũng thế, không thể làm khác hơn. Chính vì vậy mà lòng tôi cứ dằng vặt mãi cho đến hôm nay.

Thời gian vàng son của năm mươi người tù đội 4 trại 6/ Nghĩa Lộ, Hoàng Liên Sơn, kéo dài không quá sáu tháng.

Một buổi sáng sớm, khi sương mù còn vương trên thung lũng trại tù, một người đạp chiếc xe đạp vội vã rời ban chỉ huy trại. Sau xe đèo theo một cái rương bằng gỗ và một túi đeo lưng bộ đội.Một vài anh em nhận ra anh Thà và báo cho anh em. Cả một đội năm mươi người tù vừa mới thức dậy, còn ngái ngủ, chạy ùa ra sân, vẫy tay gọi. Anh Thà không nhìn lại, đưa cánh tay chỉ còn một nửa lên vẫy vẫy, rồi biến dạng trước cổng trại.

Chiếc thuyền nhỏ mang theo trên 30 người vượt biển, trong đó có tôi và ba người bạn cùng tù ở Nghĩa Lộ ngày trước, ra đến hải phận quốc tế hai ngày thì gặp bão. Chúng tôi may mắn được một chiếc tàu chuyên chở dầu hỏa của vương quốc Nauy, trên đường từ Nhật sang Singapore,cứu vớt. Hai ngày đêm trên tàu là cả một thiên đường. Từ vị thuyền trưởng đến anh thủy thủ, chị bác sĩ, y tá, đều hết lòng săn sóc lo lắng cho chúng tôi. Hôm rời tàu để được chuyển đến trại tị nạn Singapore, chúng tôi quá xúc động không ai cầm được nước mắt. Tất cả thủy thủ đoàn đều ra đứng thành hai hàng dài trên boong tàu, ai nấy đều khóc sướt mướt ôm lấy từng người chúng tôi mà chia tay. Rồi những ngày sống trong trại, chúng tôi được thầy cô giáo và ông đại sứ Nauy, thường xuyên có mặt lo lắng cho chúng tôi đủ điều. Chúng tôi vừa xúc động vừa đau đớn. Nỗi đau của một người vừa mới bị anh em một nhà hành hạ, đuổi xô đến bước đường cùng, phải bỏ nhà bỏ xứ để thoát thân trong cái chết, bây giờ lại được những kẻ xa lạ không cùng ngôn ngữ, màu da, màu tóc, lại hết lòng đùm bọc yêu thương. Mang cái ân tình đó, chúng tôi chọn Nauy là nơi tạm gởi phần đời còn lại của mình.

Bốn anh em, những người cùng tù Nghĩa Lộ năm nào, được sắp xếp ở gần nhau. Mỗi ngày gặp nhau đều nhắc lại  năm tháng khốn khổ trong tù. Đặc biệt khi nhắc tới quản giáo Thà, ai trong chúng tôi cũng ngậm ngùi, nghĩ đến một người không cùng chiến tuyến mà còn có được tấm lòng. Sau lần bị “hạ tầng công tác” ở trại tù Nghĩa Lộ, không biết anh đi về đâu, nhưng chắc chắn là bây giờ cũng vất vả lắm.

Sau hai năm theo học, tôiđược nhận vào làm trong ngân hàng bưu điện trung ương. Tại đây, tôi quen với Kenneth Hansen, một bạn đồng nghiệp còn trẻ tuổi, lại ở gần nhà, nên sau nàytrở nên thân tình. Anh ta là sinh viên đang theo học về kinh tế, chỉ làm việc thêm ngoài giờ hoc. Làm chung gần một năm, thì anh bạn Nauy này lại được nhận vào một công ty lớn và sang làm việc ở chi nhánh bên Ấn Độ.

Bẵng đi vài năm, bất ngờ một hôm anh gọi điện thoại báo là sẽ đến thăm tôi và đem đến cho tôi một bất ngờ.Và đúng là bất ngờ thật, vì cùng đến với anh là một người con gái Việt nam. Anh giới thiệu với vợ chồng tôi, đó là vị hôn thê của anh.

Cô gái tên Đoan, nói giọng Hà Nội chính tông. Gặp chúng tôi ở một nơi xa lạ, cô vui mừng lắm, nhưng khi nhìnthấy tấm ảnh của tôi treo trên tường, mang quân phục và cấp bậc của quân đội VNCH, cô có vẻ ái ngại. Biết vậy, chúng tôi cũng niềm nỡ , đùa cợt cho cô được tự nhiên. Cô cho biết cô là bạn thân với nữ ca sĩ Ái Vân từ lúc hai người cònđi học ở Hà Nội. Sau sáu năm du học ở Đông Đức, rồi Liên Xô, cô được sang thực tập tại Ấn Độ. Chính tại đây cô có dịp gặp và quen với chàng trai Nauy này. Kh iấy cô đã có chồng và một đứa con trai. Người chồng trước cùng du học ở Liên Xô,sau này trở thành một cán bộ cao cấp trong ngành dầu khí tại Hà Nội. Sau thời gian thực tập ở Ấn Độ trở về, cô được bạn bè và người thân cho biết là anh chồng đã cặp một cô gái khác chỉ một vài tuần sau ngày cô đi. Cô đem việc này nói phải trái với chồng, lại bị anh ta hành hung và nói những lời thô lỗ. Cô vừa buồn vừa giận, bỏ chồng, xin sang học tiếp chương trình Tiến sĩ tại một đại học ở Đông Đức.

Sau ngày bức tường Bá Linh ô nhục bị nhân dân Đức phá sập, nước CHND Đức (Đông Đức) bỗng chốc không còn nữa.Cô không về nước mà tìm cách trốn sang Tây Đức. Qua một thời gian hết sức khó khăn, cô may mắn liên lạc được với anh Kenneth Hansen, để được bảo lãnh sang Nauy. Biết cô thuộc gia đình một đảng viên cộng sản cao cấp, bởi cô được du học ở nhiều nước thuộc khối cộng sản trước đây, nhưng tôi không hỏi vì sợ cô ngại.Sau này chính Kenneth Hansen, cho biết, bố của cô trước kia là đại sứ Việt Nam tại Liên Xô cũ. Sau ngày Liên Xô sụp đổ, kéo theo sự tan vỡ của toàn khối cộng sản Đông Âu, ông xót xa nhìn ra được một điều gì đó. Trở về Việt Nam, ông không còn được nhà nước Cộng sản trọng dụng, trở thành kẻ bất mãn, cả ngày nằm nhà không tiếp xúc một ai.

Sau một thời gian, được cấp quốc tịch Nauy, cô Đoan trở về Việt Nam thăm gia đình, đặc biệt là người cha già đang ốm nặng. Nhân tiện xin mang đứa con trai sang Nauy với cô.

Việc cô Đoan trở về Hà Nội,làm tôi nghĩ dến anh quản giáo Nguyễn văn Thà thưở trước. Tôi cùng với mấyngười bạn tù cũ, góp một số tiền khoảng 800 đôla, nhờ cô Đoan về Nghệ Tĩnh tìmvà trao lại cho anh, như để tỏ chút lòng biết ơn một người bao nhiêu năm sốngtrong đám bùn lầy nước đọng mà vẫn còn giữ sạch được tấm lòng. Việc tìm anh không phải dễ dàng, vì chúng tôi không biết nhiều về anh. Trong mảnh giấy nhắn tin, chỉ vỏn vẹn vài chữ : “ông Nguyễn văn Thà, gốc Nghệ Tĩnh, khoảng năm 1979 là thượng úy, làm quản giáo trại tù cải tạo số 6/ Nghĩa Lộ, Hoàng Liên Sơn “.Cô Đoan vui vẻ nhận lời và hứa sẽ tìm đủ mọi cách để gặp hoặc liên lạc anh Thà.Cô cũng cho biết là cô có ông chú họ hiện làm việc tại bộ quốc phòng. Cô sẽ nhờ ông ta tìm hộ.

Một tháng sau, cô Đoan trở lại Nauy, báo cho chúng tôi biết là ông chú của cô không tìm thấy tên Nguyễn văn Thà trong danh sách sĩ quan. Ông đoán là anh ta đã bị phục viên từ lâu lắmrồi. Cô đã đích thân vào Nghệ Tĩnh, hỏi thăm mọi cơ quan, nhưng không ai biết.Cuối cùng cô phải thuê mấy tờ báo địa phương đăng lời nhắn tin, trong đó có ghi số điện thoại của tôi. Cô còn cho biết là nhân tiện có mặt ở Nghệ Tĩnh thì cô nhờ họ thôi, chứ không có nhiều hy vọng gì, vì chỉ một ít người ở thành phố có báo đọc.

Thời gian trôi qua, bận bịu bao nhiêu việc làm ăn, lo cho con cái, để kịp hội nhập vào đời sống trên quê hương mới, chúng tôi không còn ai nhắc đến chuyện anh Thà.

Bỗng một hôm, khi đang say ngủ, nghe tiếng điện thoại reo, tôi giật mình tỉnh giấc. Xem đồng hồ, hơn hai giờ sáng. Mùa đông Bắc Âu, nhiệt độ bên ngoài cửa sổ chỉ – 20 độ C. Tôi ái ngại. Giờ này mà ai gọi điện thoại thì phải có điều gì khẩn cấp lắm. Tôi bốc ống nghe, Đầu giây bên kia là giọng một cô gái, nói tiếng Việt rất khó nghe. Cô hối hả, nhưng rất lễ phép, xin được gặp tôi. Cô cẩn thận nhắc lại tên tôi hai lần, với đầy đủ họ và tên.

– Xin lỗi, cô là ai và đang ở đâu ạ ? tôi hỏi.

– Dạ, cháu là Hà, Nguyễn Thị Hà, cháu đang ở Ba Lan ạ.

Tôi im lặng. Thoáng lục lọi trong trí nhưng tôi không nhớ là mình đã quen ai tên Hà. Bên kia đầu giây, cô gái lên tiếng:

– Bác có còn nhớ ông Thà, làm quản giáo ở Nghĩa Lộ không ạ?

– Ông Thà, Nguyễn văn Thà,Bác nhớ, nhưng cô là gì của ông Thà, và sao lại ở Ba-Lan ?

– Dạ, ông Thà là bố cháu.Cháu ở Ba-Lan với một đứa em trai. Bọn cháu khổ lắm Bác ạ. Tiếng cô gái sụt sùi.

– Cháu cho bác số phôn, bác gọi lại ngay, để cháu khỏi tốn tiền.

Tôi gọi lại, và nghe tâm sự não nề của cô gái. Cô và em trai, tên Tĩnh, được bố mẹ lo lắng, chạy vạy, bán hết đồ đạc trong nhà, kể cả chiếc xe đạp Trung quốc mà cha cô nâng niu như là một thứ gia bảo, vay mượn thêm, lo cho hai chị em cô sang lao động ở Ba-Lan.Sau khi chính quyền cộng sản Ba-Lan bị cuốn theo làn sóng dân chủ ở Đông Âu,chị em cô cùng hầu hết những người được chính quyền Việt Nam gởi sang lao động,đã không về nước, trốn ở lại. Vì sống bất hợp pháp, nên không tìm được việc làm chính thức. Hầu hết làm chui, buôn bán thuốc lá lậu. Một số trở thành ăn cắp,băng đảng, quay lại cướp bóc hoặc tống tiền chính những nguòi đồng hương, đồng cảnh. Số người Việt này trở thành mối bận tâm không nhỏ cho những chính quyền mới ở các nước Đông Âu.

Hai chị em cô Hà thuê một căn gác nhỏ trong thành phố Warszawa, nhận thuốc lá của một người khác, mang đi bán. Nhưng mỗi lần dành dụm được một ít, chưa kịp gởi về giúp gia đình thì bị cướp sạch. Một hôm, cậu em trai nhận thuốc lá mang đi bán, bị cảnh sát bắt và phát hiện là số thuốc lá kia vừa bị mất cắp tại một cửa hàng Ba-Lan. Vì vậy cậu em trai bị nhốt vào tù, còn cô Hà thì đang bị truy nã. Việc xảy ra một ngày trước khi cô Hà gọi điện thoại cho tôi .

– Bây giờ cháu đang ở đâu ?Tôi hỏi.

– Cháu đang trốn ở nhà một người bạn, nhưng cô ta không dám chứa cháu lâu. Cháu không biết phải làm sao,thì bất ngờ nhớ đến lá thư của ba cháu gởi cho cháu cách nay vài tháng. Ba cháu bảo cháu trong trường hợp rất cần thiết mới gọi cho bác.

– Ba cháu bây giờ làm gì ?

– Ông bị ốm nặng. Cách nay hai năm bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, nên chỉ nằm một chỗ. Vì vậy nên chị em cháu trốn ở lại đây để kiếm tiền gởi về cho bố cháu điều trị và sống qua ngày bác ạ.

Tôi ghi số điện thoại, địa chỉ người bạn của Hà, tên nhà tù mà Tĩnh, em trai của Hà đang bị giam giữ, trấn an và hẹn sẽ gặp cô trong một ngày rất gần ở Ba-Lan.

Tôi nhớ tới một người bạn Ba-lan, anh Zbigniew Piwko. Chúng tôi quen khá thân lúc cả hai vừa mới đến Nauy. Anh ta lớn hơn tôi ba tuổi. Trước kia là một đại tá không quân, chỉ huy môt không đoàn chiến đấu thuộc quân đội cộng sản Ba-Lan. Về sau. anh ta ngầm ủng hộ Công Đoàn Đoàn Kết do ông Walesa lãnh đạo. Hành tung bại lộ, trong khi bị truy bắt, anh đã lấy một chiếc trực thăng, chở gia đình, gồm người vợ và hai đứa con, bay sang Tây Đức. Theo sự thỉnh cầu của anh, gia đình anh được chính phủ Nauy đặc biệt nhận cho tị nạn chính trị.

Anh và tôi học tiếng Nauy cùng một lớp, và sau đó có một thời gian chúng tôi cùng làm thông dịch cho Sở Cảnh Sát. Nhưng chỉ hơn một năm sau, thì tình hình chính trị ở Ba-Lan thay đổi bất ngờ. Công Đoàn Đoàn Kết của ông Walesa lãnh đạo đã thắng lợi vẻ vang . Ông được bầu làm Tổng Thống đầu tiên của nước Ba-Lan dân chủ. Anh Piwko, người bạn tị nạn của tôi, được mời về nước để giữ môt chức vụ khá lớn trong ngành cảnh sát. Vào những dịp Giáng sinh, nhớ đến tôi, anh gởi thiệp mừng giáng sinh và năm mới. Anh kể đủ thứ chuyện về xứ sở của anh, về niềm vui và hy vọng của người dân Ba-Lan bây giờ. Sau tấm thiệp không đủ chỗ nên lúc nào anh cũng viết kèm theo vài trang giấy. Anh mời vợ chồng tôi có dịp thu xếp sang chơi với gia đình anh vài hôm và xem đất nước Ba-Lan của anh đang hồi sinh trong dân chủ.

Sáng hôm sau, tôi tìm lại số phôn và gọi cho anh. Anh rất vui mừng khi nghe tôi báo tin sang thăm . Vì đi vội, nên tôi chỉ đi một mình. Vợ chồng anh đón tôi ở phi trường, nơi dành cho VIP (thượng khách). Anh chị còn cho biết là rất thú vị khi có dịp được dùng lại ngôn ngữ Nauy để nói chuyện với tôi. Tôi thực sự xúc động trước sự tiếp đón nồng hậu mà gia đình anh đã dành cho tôi. Tôi ngại ngùng không dám nói với anh những điều muốn nhờ anh giúp. Nhưng rồi cuối cùng, tôi cũng phải tâm tình cùng anh về chuyện anh quản giáo Thà trong trại tù Nghĩa Lộ năm nào, và hoàn cảnh khốn cùng của hai đứa con hiện đang ở tại đây, ngay trên đất nước Ba-Lan của anh. Nghe tôi kể, anh ngậm ngùi giây lát rồi đứng lên ôm vai tôi, hứa sẽ hết lòng giúp tôi về việc này.

Anh đưa tôi đến gặp hai chị em cháu Hà. Đưa Hà về nhà ở với gia đình anh. Hai hôm sau anh làm thủ tục bảo lãnh Tĩnh, em của Hà từ trại tù về.

Trước khi về lại Nauy, tôi đã thức trọn một đêm để tâm tình khuyên lơn hai chị em Hà, biếu cho hai cháu một số tiền để tạm sinh sống và chuyển về Việt nam biếu anh Thà, bố hai cháu. Trên đường đưa tôi ra phi trường, vợ chồng Piwko bảo tôi yên tâm, anh chị xem hai chị em Hà như là cháu trong nhà và sẽ tận tình lo lắng cho hai cháu.

Hơn một tháng sau, Piwko gọi phôn báo cho tôi tin mừng: hai chị em Hà đã được Piwko bảo trợ, được cấp giấy tờ chính thức cư trú tại Ba-lan. Hai cháu đang được học ngôn ngữ Ba-lan. Hà, vì lớn tuổi, nên sẽ xin việc làm. Tĩnh, em Hà, sẽ được tiếp tục theo học tại một trường trung học.

>

“Các Anh thân quí,

Khi ngồi viết nhừng dòng nàycho các anh, thực tình tôi không còn nhớ mặt các anh, nhưng tôi còn nhớ rất rõ thời gian tôi làm quản giáo ở trại Nghĩa Lộ. Vậy mà không ngờ hôm nay các anh còn nhớ đến tôi. Đọc thư của cháu Hà từ Ba-Lan gởi về, cùng với số tiền của các anh gởi cho, lòng tôi cảm xúc đến nghẹn ngào. Tôi và gia đình xin muôn vàn cảm tạ. Các anh làm tôi nhớ tới một câu nói của Các-Mác: Chỉ có loài súc vật mới quay lưng trước cảnh khốn khổ của đồng loại”. Ngày nay, cả thế giới đều lên án Mác, những nước một thời lấy chủ nghĩa Mác làm ánh đuốc soi đường, bây giờ cũng đã từ bỏ Mác, chỉ còn một vài nơi lấy Mác làm bức bình phong để che đậy những mục nát ở phía bên trong, nhưng câu nói trên kia của Mác, với tôi, vẫn mãi mãi là một lời vàng ngọc. Điều tệ hại là những kẻ một thời theo Mác đã luôn luôn làm ngược lại lời nói này của Mác.

Chúng tôi mừng cho các anh đã đưa được gia đình ra khỏi nước. Mặc dù tôi biết một người phải bỏ quê hương mà đi, còn đau đớn nào hơn. Ngay cả con cái chúng tôi, vất vả biết chừng nào, mà tôi cũng đành khuyên các cháu phải ra đi để may ra còn tìm được một chút tương lai, giá trị nào đó của kiếp con người

Phần tôi, sau khi bị kiểm điểm nặng nề ở trại Nghĩa Lộ, tôi bị điều ra mặt trận phương Bắc, trong thời kỳ giặc bành trướng Trung Quốc tràn qua biên giới . Nhờ thương tật, tôi được bố trí một công tác lặt vặt ở hậu cần. Mặt trận kết thúc, tôi bị phục viên về nhà,tiền phụ cấp không đủ nuôi chính bản thân. Tôi chỉ còn một cánh tay mà phải phát rẫy trồng rau để phụ giúp gia đình.

Hơn ba năm nay, tôi bị ốm nặng, nằm liệt giường. Nhờ chị em cháu Hà gởi tiền về nuôi tôi và cả gia đình,tôi mới còn sống được đến hôm nay. Biết trốn lại Ba Lan, không có giấy tờ, hai cháu sẽ khó khăn ghê lắm, nhưng vẫn còn hơn là về lại bên này. Có làm suốt ngày cũng chẳng đủ ăn. May mà nhờ các anh hết lòng giúp hai cháu. Cái ơn này biết khi nào chúng tôi mới trả được cho các anh đây.

Tôi biết mình không còn sống bao lâu. Cuối đời một con người, tôi nghiệm rõ được một điều: Chỉ có cái tình con người với nhau mới thực sự quí giá và tồn tại mãi với thời gian. Những chế độ này, chủ nghĩa nọ, cuối cùng cũng chỉ là những đám mây đen bay trên đầu. Đôi khi che ta được chút nắng, nhưng nhiều lúc đã trút bao cơn mưa lũ xuống để làm khốn khổ cả nhân gian…”

****

Không ngờ lá thư đầu tiên nàycũng là lá thư cuối cùng chúng tôi nhận được từ anh Thà. Anh đã qua đời sau đókhông lâu. Nghe cháu Hà kể lại. Khi hấp hối, anh bảo vợ anh mang mấy cái huychương, anh được cấp trong thời chiến tranh, đào lỗ chôn xuống phía sau nhà.Anh thầm thì: xin hãy chôn chặt hộ tôi cái quá khứ đau thương và lầm lỡ đó lại.Chính nó đã gây biết bao chia lìa, tang tóc, và sự thù hận giữa những người anh em cùng một mẹ, không biết sẽ kéo dài cho đến bao giờ?

 

Phạm Tín An Ninh,Vương Quốc Nauy

Nguồn : Facebook Võ Lão Nông

Posted in Uncategorized | 3 Comments »